2008 Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq

Iraq gần đạt thỏa thuận về kế hoạch triệt thoái binh sĩ Mỹ

Ngày 7 tháng 8 năm 2008, hai viên chức Iraq nói rằng Hoa Kỳ và Iraq gần đạt được một thỏa thuận theo đó toàn thể binh sĩ tác chiến của Mỹ sẽ rời khỏi Iraq trước tháng 10 năm 2010, với các binh sĩ cuối cùng sẽ ra đi ba năm sau đó. Tuy nhiên, các viên chức Hoa Kỳ quả quyết rằng đã không có thời điểm nào được thỏa thuận.

Thỏa thuận, theo đề nghị, đòi hỏi người Mỹ chuyển giao một phần vùng Xanh của Bagdad - nơi tọa lạc Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ - cho người Iraq vào cuối năm 2008. Thỏa thuận cũng sẽ dời các lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi các đô thị của Iraq trước ngày 30 tháng 6 năm 2009, theo hai viên chức trên, cả hai đều thân cận với Thủ tướng Nouri al-Maliki của Iraq và thông thạo với các cuộc thương lượng. Các viên chức, lên tiếng riêng rẽ với điều kiện không nêu danh tính, nói mọi binh sĩ chiến đấu Hoa Kỳ sẽ rời khỏi Iraq vào tháng 10 năm 2010, với các nhân viên yểm trợ còn lại ra đi "khoảng năm 2013." Lịch trình này có thể được điều chỉnh nếu cả hai bên đồng ý - một điều khoản để tránh mất mặt sẽ kéo dài sự hiện diện của các lực lượng Hoa Kỳ nếu tình hình an ninh đòi hỏi.

Việc chấp thuận của Hoa Kỳ - dù không dứt khoát - về một thời hạn rõ rệt sẽ là một sự đảo ngược quan trọng trong chính sách của Mỹ đã được đặt ra kể từ khi cuộc chiến tranh khởi sự vào tháng 3 năm 2003. Các viên chức của cả Iraq lẫn Hoa Kỳ đều đồng ý rằng thỏa thuận không phải đã dứt khoát và rằng một vấn đề lớn vẫn chưa giải quyết được là đòi hỏi của Hoa Kỳ để các binh sĩ Hoa Kỳ được đặc miễn khỏi sự truy tố theo luật pháp Iraq.

Trong suốt cuộc xung đột, Tổng thống Bush nhất quyết không chấp nhận bất cứ thời biểu nào để đưa quân đội Hoa Kỳ về nước. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2008, ông Bush và Thủ tướng al-Maliki đồng ý đặt ra một "viễn ảnh thời gian tổng quát" để chấm dứt sứ mạng của Hoa Kỳ. Chuyển hướng của ông Bush về một thời hạn được coi như một hành động nhằm gia tốc việc thỏa thuận về một hiệp ước an ninh chi phối sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Iraq sau khi sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc hết hạn vào cuối năm 2008. Chính phủ do phe Hồi giáo Shiite cầm đầu của Iraq cương quyết đòi hỏi một lịch trình rút quân nào đó - một hành động mà người Iraq nói thiết yếu để được nghị viện chấp thuận.

Tại Washington, các viên chức Hoa Kỳ xác nhận rằng đạt được vài tiến bộ về các thời hạn để rút quân nhưng vấn đề miễn tố vẫn là một trở ngại lớn. Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ thân cận với cuộc thảo luận nói không có ngày tháng nào đã được đồng ý. Nhưng người Iraq khẳng định rằng thời hạn đã được dàn xếp một cách sơ khởi giữa hai bên, mặc dù họ công nhận rằng không có gì dứt khoát cho tới khi những cuộc thương lượng hoàn tất. Một viên chức Iraq nói việc thuyết phục người Mỹ chấp thuận một thời biểu là một "thành đạt then chốt" của những cuộc thảo luận và rằng chính phủ sẽ tìm kiếm sự phê chuẩn của nghị viện ngay sau khi thỏa hiệp được ký kết.

Nhưng sự bất đồng về đặc miễn có thể phá hoại toàn thể cuộc thương lượng, người Iraq nói. Một trong các viên chức mô tả quyền đặc miễn như một "bãi mìn" và nói mỗi bên đều cố kết với lập trường của mình. Một viên chức nói thương thuyết gia David Satterfield của Hoa Kỳ nói với ông rằng quyền đặc miễn cho các binh sĩ là một "vạch đỏ" đối với Hoa Kỳ. Viên chức trên nói nói ông ta đã đáp lại rằng vấn đề này "cũng là một vạch đỏ đối với chúng tôi." Viên chức trên nói người Iraq muốn ban quyền đặc miễn cho các hành động xảy ra trên các căn cứ của Mỹ và trong các hoạt động quân sự - nhưng không phải là một đặc miễn tổng quát trước luật pháp Iraq.

Người Iraq cũng muốn các lực lượng Mỹ giao lại bất cứ người Iraq nào mà họ cầm giữ. Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng những người bị cầm giữ phải "sẵn sàng" để được chuyển giao, điều mà các viên chức Iraq cho rằng có nghĩa người Mỹ muốn thẩm vấn họ trước. Giữa lúc những cuộc thảo luận kéo dài, các viên chức Mỹ nói chính phủ Bush mất kiên nhẫn với người Iraq về những cuộc thương lượng mà cả hai bên đều đã hy vọng kết thúc vào cuối tháng 7 năm 2008. Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ nói: "Vấn đề chủ quyền là vấn đề rất lớn đối với người Iraq và chúng tôi thông cảm điều đó. Nhưng chúng ta đang mất kiên nhẫn. Tiến trình cần chuyển động và chuyển động một cách nhanh chóng."

Giữ lập trường cương quyết chống lại người Mỹ làm tăng uy tín của ông al-Maliki, cho phép ông thu hút sự ủng hộ của những người Iraq từ lâu chống đối sự hiện diện của Hoa Kỳ. Ngày 7 tháng 8 năm 2008, một phát ngôn viên cho Giáo sĩ Muqtada al-Sadr nói vị giáo sĩ Shiite sẽ kêu gọi các chiến binh của ông tiếp tục tôn trọng một cuộc ngưng bắn đối với các binh sĩ Mỹ - nhưng có thể bãi bỏ lệnh này nếu thỏa thuận về an ninh không chứa đựng một thời biểu cho một cuộc triệt thoái của Hoa Kỳ.

Iraq đòi Hoa Kỳ xác định một thời hạn rút quân rõ rệt

Ngày 10 tháng 8 năm 2008, Ngoại trưởng Hoshiyar Zebai của Iraq nói rằng Hoa Kỳ phải cung cấp một thời hạn "thật rõ rệt" để triệt thoái các binh sĩ ra khỏi Iraq như một phần của một thỏa thuận cho phép họ ở lại sau năm 2008. Đó là lời khẳng định công khai mạnh mẽ nhất từ trước tới lúc này rằng Iraq đang đòi hỏi một thời hạn. Tổng thống George W. Bush từ lâu vẫn chống lại việc ấn định một lịch trình chắc chắn để rút các binh sĩ ra khỏi Iraq. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Zebari nói thỏa thuận, gồm cả thời hạn, gần đạt được và có thể sẽ được trình bày trước nghị viện của Iraq vào đầu tháng 9.

Được hỏi là liệu Iraq có chấp thuận một tài liệu không bao gồm những thời điểm cho một cuộc triệt thoái hay không, ông Zebari đáp: "Không, không. Dứt khoát phải có một thời hạn thật rõ rệt." Thỏa thuận sẽ thay thế một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Iraq, sẽ hết hạn vào cuối năm 2008. Một điểm khó khăn trong những cuộc thương lượng là Hoa Kỳ muốn các binh sĩ của mình phải được đặc miễn trước luật pháp Iraq. Vào tháng 7, phó chủ tịch nghị viện của Iraq nói rằng các nhà lập pháp có thể sẽ phủ quyết bất cứ một thỏa hiệp nào nếu đặc quyền này được ban cấp. Những trở ngại khác bao gồm quyền hạn của quân đội Hoa Kỳ để cầm giữ các công dân Iraq, và thẩm quyền của họ để thực hiện những cuộc hành quân, ông Zebari nói.

Thỏa thuận sơ bộ

Ngày 21 tháng 8 năm 2008 sau khi gặp gỡ với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice, Ngoại trưởng Iraq, Hoshyar Zebari nói Iraq và Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận sơ khởi cho việc triệt thoái các lực lượng Mỹ ra khỏi các đô thị của Iraq vào tháng 6 sang năm. Những cuộc thương lượng về thời biểu rút quân đã diễn ra sau một thời gian dài Tổng thống Bush nhất mực nói rằng bất cứ lịch trình rút quân nào cũng gây nguy hiểm. Dự thảo thỏa thuận với Iraq sẽ liên kết những vụ giảm quân với thành quả đạt được đối với một số mục tiêu về an ninh, mặc dù các chi tiết chưa được công bố.

Xuất hiện cùng với nhau tại một cuộc họp báo, bà Rice và ông Zebari xác nhận rằng thỏa hiệp theo đề nghị phản ánh sự tin tưởng ngày càng tăng về khả năng của các lực lượng Iraq trong việc bảo vệ an ninh trong nước. Thỏa thuận sơ bộ này còn cần sự ủng hộ của các nhà lãnh hàng đầu và nghị viện của Iraq. Ông Zebari nói dự thảo sẽ được trình bày trước các nhà lãnh đạo, kể cả Thủ tướng Nouri al-Maliki. Vài thành viên trong nội các của ông al-Maliki đã chống đối vài khía cạnh trong đó.

Bà Rice lên tiếng một cách lạc quan về việc hoàn tất một thỏa hiệp nhưng nhấn mạnh rằng nó còn cần sự chấp thuận của cấp lãnh đạo Iraq. Chính phủ Bush không dự tính chuyển thỏa hiệp tới Quốc hội để chấp thuận. Phía Iraq đã đòi hỏi đặt ra những thời hạn rõ rệt cho việc triệt thoái của các lực lượng Hoa Kỳ, điều mà lúc đầu chính phủ Bush đã chống đối.

Một phần then chốt của dự thảo thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Iraq dự trù việc triệt thoái các lực lượng Mỹ ra khỏi các đô thị của Iraq vào ngày 30 tháng 6 năm 2009. Một vấn đề có liên hệ là việc đặt thêm các thời hạn khác cho những vụ triệt thoái các binh sĩ, kể cả một thời điểm theo đó tất cả các lực lượng Hoa Kỳ sẽ ra đi.

Ông Zebari nói: "Thỏa thuận này xác định các điều khoản có tính các nguyên tắc, những điều kiện, để chi phối sự hiện diện tạm thời và viễn ảnh thời gian, sứ mạng của các lực lượng Hoa Kỳ."

"Chúng tôi không phải ngồi đây thảo luận một thỏa thuận để cố thoát khỏi một tình hình xấu," bà Rice nói, khi khẳng định rằng dự thảo "được xây dựng trên sự thành công mà chúng ta đã đạt được trong năm vừa qua."